Nguồn gốc Lê_Túc_Tông

Lê Túc Tông tên là Lê Thuần (黎㵮) sinh ngày 1 tháng 8 âm lịch (6 tháng 9 dương lịch) năm 1488, là con trai thứ ba của Lê Hiến Tông (Lê Tranh), mẹ là Trang Thuận Hoàng hậu Nguyễn Hoàn, quê ở Bình Lăng, Thiên Thi, Hưng Yên. Lúc Lê Thuần được sinh ra thì vua cha Hiến Tông vẫn còn là thái tử, còn ông nội Lê Thuần là Lê Thánh Tông đang giữ ngôi Hoàng đế.[3]

Năm 1497, Lê Thánh Tông qua đời, thái tử Lê Tranh lên kế vị, tức vua Lê Hiến Tông. Năm 1499, các đại thần như Thái bảo Sùng Khê hầu Lê Vĩnh, Đô Kiểm điểm Cống Xuyên hầu Lê Năng Nhượng dâng bản tâu xin Lê Hiến Tông lập trữ quân. Lê Hiến Tông khi đó có sáu người con trai, trong đó con trưởng là Lê Tuân và con thứ hai là Lê Tuấn. Nhưng nhà vua cho rằng hai người này là không đủ phẩm chất và đức hạnh nên quyết định lập con thứ ba, Lê Thuần, làm trữ quân. Ngày 17 tháng 2 âm lịch cùng năm, Lê Hiến Tông dụ Thái bảo Sùng Khê hầu Lê Vĩnh và Đô Kiểm điểm Cống Xuyên hầu Lê Năng Nhượng:[4]

Mới rồi nhận được bản tâu của các khanh, lo kế lớn cho tông miếu xã tắc, khẩn thiết xin dựng lập hoàng trừ, trẫm rất khen ngợi việc đó. Hoàng tử thứ nhất là Tuân thì thích mặc áo đàn bà, bỏ thuốc độc cả mẹ; hoàng tử thứ hai là Tuấn thì còn bé, lại không có đức, sợ không kham nổi; hoàng tử thứ ba là Thuần rất ham thích Thi, Thư, dốc lòng hiếu kính, trẫm đích thân vỗ về dạy bảo, nay đã trưởng thành, trẫm quyết đoán từ công tâm, cho giữ ngôi thái tử, thực không phải là bỏ con trưởng lập con thứ, mà là vì thiên hạ chọn người làm vua đó! Song điện chính Đông cung trẫm còn đang ở, nên làm cung mới bên cạnh điện, và làm sách phong thái tử, tuyên bố nghi lễ tiết văn, truyền cho Hữu ty chọn ngày cử hành việc đó.

— Lê Hiến Tông

Ngày 6 tháng 12 âm lịch năm 1498, Hoàng đế Lê Hiến Tông sai Thái bảo Đường Khê bá Lê Vĩnh và Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Điện tiền Đô kiểm điểm Ty Đô kiểm điểm Dung Hồ bá Lê Lan đem kim sách và ấn báu lập Lê Thuần làm Hoàng thái tử.[5]